BẢN ĐỒ TU PHẬT _ TẬP 10 – CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA – P.03


TẬP X : CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA

III.-CON ĐƯỜNG TU CỦA THANH VĂN THỪA
Hai con đường nói ở trên, Nhơn-thừa và Thiên-thừa, chỉ là những con đường ngắn ngủi dành cho những người sơ cơ, bình thường: con đường thứ nhất, ngăn đón chúng ta khỏi rơi vào các thế giới đen tối (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), đưa chúng ta trở lại cõi Người trong kiếp sau; còn con đường thứ hai đưa ta đi xa hơn, đến cõi Trời, sung sướng, trong sạch hơn, nhưng ở đấy, nếu không tiếp tục tu hành, thì sau khi hưởng hết quả báo tốt, lại rơi trở xuống cõi Người.
Bởi thế, hành giả cần nên bước trên một con đường dẫn dắt đi xa hơn, rộng hơn hai con đường trước, đó là con đường của Thanh Văn, nghĩa là con đường đưa hành giả đến bốn quả vị Thanh Văn.
Muốn đến quả vị này, phải tu theo pháp Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là bốn sự thật rõ ràng, hiển nhiên, đúng đắn không gì hơn.
1.-Sự thật thứ nhất: Khổ Đế. – Cõi đời là đau khổ. Dù cho danh vọng, giàu có, tài trí bao nhiêu cũng không thoát khỏi những cảnh đau khổ, già chết, những cảnh khổ: thân yêu mà phải chia lìa, ghét bỏ mà phải sống bên nhau. Tóm lại, cõi đời là cõi khổ, mà không một ai thoát khỏi.
2.-Sự thật thứ hai: Tập Đế. – Những nỗi đau khổ nói trên, do từ lâu đời lâu kiếp kết hợp lại. Nghĩa là những quả khổ trong hiện tại, đều có nguyên nhân sâu xa trong quá khứ, chứ không phải bỗng nhiên mà có, hay do ai tạo ra. Nguyên nhân của mọi thứ phiền não khổ đau, chính là những “kiết sử”. Kiết là cột chặt, Sử là sai khiến, điều khiển. Các thứ cột chặt chúng sanh vào vòng sanh tử, sai khiến chúng ta hành động, chính là mười món sau đây:
a/.Tham , b/.Sân , c/.Si , d/.Mạn , đ/.Nghi , e/.Thân kiến (chấp đắm thân này là chân thật) , g/.Biên kiến (cố chấp sai lạc) , h/.Tà kiến (quan niệm không hợp chánh lý) , i/.Kiến thủ (bảo thủ kiến giải của mình) , k/.Giới cấm thủ (tin tưởng và thực hành những giới điều sai lầm).
Trong mười món kiết sử này, năm món đầu thì gọi là độn sử, nghĩa là những món phiền não sâu kín, tánh chất nặng nề; còn năm món sau gọi là lợi sử, nghĩa là những món phiền não có tánh chất lanh lợi, thuộc về nhận thức. Năm món trên vì ăn sâu gốc rễ, nên khó trừ hơn năm món dưới.
3.-Sự thật thứ ba: Diệt Đế. – Diệt nghĩa là tiêu diệt. Diệt-đế là chân lý nói về trạng thái thanh tịnh tự tại, giải thoát sau khi các phiền não đã bị tiêu diệt. Trạng thái này gọi là Niết Bàn. Niết (Nir) nghĩa là rơi rụng, không còn nữa, hay thoát khỏi; Bàn (Vana) nghĩa là mọc lên lăn xăn, lộn xộn. Niết-Bàn là trạng thái xa lìa những lăn xăn phiền não, luôn luôn an trú trong cảnh vắng lặng thường còn. Niết-Bàn có ba tánh chất sau đây:
a).Bất Sanh: không mọc lên, không tăng thêm, không sanh lại;
b).Tịnh Diệt: thanh tịnh, vắng lặng.
c/.Giải Thoát: không còn bị trói buộc trong rừng mê, bể khổ hoàn toàn tự tại.
Niết-Bàn tức là quả vị chứng được của các vị Thanh Văn, sau nhiều năm tu luyện. Quả vị này có bốn từng bậc, từ thấp đến cao:
a). Tu-Đà-Hoàn hay Dự-Lưu: nghĩa là đã nhập vào dòng Thánh
b). Tư-Đà-Hàm hay Nhứt-Lai: nghĩa là chỉ còn một lần trở lại sanh vào Dục-giới nữa thôi.
c). A-Na-Hàm hay Bất-Lai: nghĩa là không còn trở lại Dục-giới nữa.
d). A-La-Hán hay Bất-Sanh: nghĩa là không còn sanh tử trong ba giới và an trú vào cảnh vô dư y Niết-Bàn của Tiểu-Thừa.
4.-Sự thật thứ tư: Đạo-Đế. – Đạo là con đường. Đạo đế tức là con đường, là phương pháp dẫn đến quả vị Niết-Bàn. Nói một cách khác, đây là những pháp môn tu hành của hàng Thanh Văn. Pháp môn này gồm tất cả là 37 món, trong ấy có “Bát Chánh Đạo”, thường được coi là pháp môn quan trọng nhất.
Bát Chánh Đạo gồm có:
a). Chánh Tri Kiến: Kiến giải đúng sự thật.
b). Chánh Tư Duy: Suy nghĩ chân chánh.
c). Chánh Ngữ: Lời nói ôn hòa chánh đáng.
d). Chánh Nghiệp: Hành động chân chánh.
đ). Chánh Mạn: Đời sống chân chánh.
e). Chánh Tinh Tấn: Siêng năng tu hành để tiến triển trên đường đạo.
g). Chánh Niệm: Nhớ tưởng những việc chân chánh.
h). Chánh Định: Tập trung tư tưởng vào những vấn đề chân chính, để trí huệ được phát chiếu.
Ngoài “Bát Chánh Đạo”, còn những món trợ đạo khác để giúp hành giả tiến triển trên đường đạo như: Tức Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực v.v…

_HẾT – phần 03 _ tập X _