TÂM CẢNH TƯỚNG DUNG HÒA ĐỒNG NHẤT


TÂM CẢNH TƯỚNG DUNG HÒA ĐỒNG NHẤT
-oOo-

Tất cả các pháp đều đồng Tánh Tịnh Nhất Như, chỉ do duyên cảnh nhận dạng sai lầm mà mỗi chúng sanh lại thấy các pháp có sai khác, thành ra có nhiều âm thanh, hình sắc, cảnh giới tưởng chừng như cách biệt nhau, thậm chí xung đột lẫn nhau. Vì thế, Đức Phật thị hiện xuống cõi này để khai thị tri kiến Phật nhằm đưa hữu tình ly rời sự phân biệt mà trở về với thế giới phẳng của Tự Tâm mình.
Theo cách hiểu của con người, “giới” là sự ngăn cách, phân biệt giữa các vật, các sự việc, tính chất, hoạt động. Các quốc gia có biên giới lãnh thổ, nam và nữ là hai giới tính khác nhau, sức khỏe và trí thông minh của một cá nhân có giới hạn ở một mức nào đó, hữu tình khác với vô tình, cho đến chúng sanh khác với Phật. Nếu liệt kê thì số lượng các thứ có ranh giới lên đến hàng tỷ không thể tính đếm hết được, song tất cả ý niệm về “giới” đều hồi quy về căn và trần. Đầu tiên, chưa có gì gọi là “giới”, chưa có sự phân biệt. Khi con mắt xúc tác với vật thì lúc đó con mắt gọi là Nhãn căn. Nhãn căn này xúc tác cũng với vật đó có sự phân biệt thành Nhãn Thức. Tương tự đối với nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu thức này có giới hạn, vì sáu căn và sáu trần có giới hạn. Như khi bầu hư không không có gì chướng ngại, con mắt cũng chỉ nhìn tới một mức độ nào đó là hết, nên gọi là Nhãn Giới Căn. Chúng ta giới hạn những gì ta thấy nghe hay biết bằng ý thức của ta, còn vượt ra ngoài giác quan và ý thức của ta thì ta không biết. Như vậy, loài người chỉ sinh hoạt và cộng chia những thứ họ hiểu biết, nên chỉ là kiến thức truyền trao kiến thức – có nghĩa là truyền trao sự phân biệt dựa trên cái thấy biết hữu hạn của sáu căn. Cho đến tột đỉnh của nền văn minh là các nhà khoa học vẽ được đường bay cho tàu vũ trụ cũng là từ ý thức mà thôi. Mục đích của nhà Phật là đưa ra khỏi sáu giác quan này.
Trong ngữ pháp nhà Phật, “giới” là “Dhatu” là Không có giới hạn thời gian và không gian. Nếu thông qua sáu giác quan thì không còn giới hạn của thời gian, không gian, quá khứ, hiện tại hay vị lai. Như vậy, “giới” chỉ cho Chân Tánh của tất cả hữu tình vô tình cảnh cõi nghiệp loài. Nếu ví Chân Tánh như một cái gương rộng lớn bao la không có ngằn mé, thì tất cả ảnh tượng sự vật của mười phương pháp giới đều hiện vào trong gương. Hay nói cách khác, Chân Tánh không có giới hạn nhiếp vô lượng các cảnh. Đó là những cảnh gì? Đó là cảnh sinh hoạt và sự lưu chuyển của ba cõi sáu loài: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, người, chư thiên; và của thế giới giải thoát: thanh văn, duyên giác, Bồ Tát. Dùng huệ nhãn mà soi, thì thấy súc sinh chỉ biết ăn, uống, ngủ, nghỉ, duy trì luật truyền giống, loài người còn có thêm danh lợi và quyền lực. Súc sinh là từ địa ngục đào thai lên, địa ngục là từ loài người mà bị đọa xuống. Cảnh giới của các vị Duyên Giác lại vô cùng êm đềm an lạc, không còn muốn dính mắc tới các cảnh giới thấp hơn. Còn cảnh giới tâm Bồ Tát nhiếp hết tất cả cảnh giới vào trong tâm để cứu độ trong bình đẳng vô nhị vô biệt. Như vậy, vô lượng vô biên các cảnh sai biệt đều hiện ra nơi Gương Tâm trong suốt phẳng lặng.
Chân Tâm là không có ngằn mé, không có giới hạn, vậy các cảnh của hữu tình vô tình ba cõi sáu loài có giới hạn hay không? Như phần trên đã nói, toàn bộ những gì con người thấy biết đều có giới hạn trong lục căn, và cả cái biết về cảnh cõi nghiệp loài cũng chỉ là do ý thức hữu hạn của con người mà có. Nơi tri kiến Phật, tất cả hữu tình vô tình cảnh cõi nghiệp loài khắp ba đời mười phương đều hồi quy về một từ “Pháp”, ngữ pháp nhà Phật gọi là “Dharma”. “Pháp” là một cái tên gắn cho một cái gì đó. Thí dụ, pháp cây viết chỉ cho vật (là cây viết) và tên gọi của vật (“c-â-y-v-i-ế-t). Tất cả pháp đều là sự giả hợp của năm đại: đất, nước, gió, lửa, không, nên nó không có thật. Trả đất về với đất, nước về với nước, gió về với gió, lửa về với lửa, không về với không, thì các pháp đều không có. Chính các pháp không có nó trụ nơi Chơn Như của nó. Còn hình tướng của nó tùy duyên thì sinh, hết duyên thì diệt. Xã hội loài người cũng như các cảnh cõi nghiệp loài sẽ diễn biến mãi mãi trong Chân Tánh vô sanh diệt của nó. Như vậy, dùng tri kiến Phật chiếu soi thì thấy thật không có ranh giới giữa tất cả các pháp.
Khi ta đã được khai thị tri kiến Phật về Chân Tánh của tất cả các pháp, đó là lý để ta trực nhận ra Chân lý bất biến thường hằng. Tuy nhiên, để thực sự sống trong lý đó đòi hỏi ta phải chuyển đổi nhận thức trong mọi lúc mọi nơi từ những thứ tưởng như bình thường nhất. Ví dụ, ta thường hay phân biệt giữa pháp hữu tình và pháp vô vi, ta thấy chỉ có loài người hay loài vật là có tình thức và có sự tiến hóa, còn các thứ ta cho là vô tri vô giác như các vật dụng cho tới núi sông cây cỏ đều chỉ để phục vụ cho các nhu cầu của loài người. Nếu không thấy được Chân Tánh bình đẳng giữa hữu tình và vô tình thì ta ít có cơ hội trở về với Phật Tánh. Thật ra không có pháp nào là pháp vô tình. Pháp đất, pháp nước, pháp gió, pháp lửa, pháp không ma sát giao thoa tuần hoàn sinh ra vật mà ta gọi là vô tình và hữu tình. Kỳ thật vô tình tức là hữu tình, mà hữu tình tức là vô tình. Vô tình và hữu tình không một không khác vì chúng đồng nơi Tánh Giác, như Đức Phật đã nói: “Hữu tình vô tình đồng viên Phật Tánh”. Đó là đứng về mặt Lý Tánh tuyệt đối mà nói. Còn về mặt hiện tượng, đất, nước, gió, lửa, cho đến các loài thảo mộc đều có sự phát triển. Nếu là vô tình thì không hề có sự tăng giảm biến đổi. Ta hãy tự tri xét lại chính cơ thể vật lý mà ta cho là của mình. Ta thấy mình là một cá nhân đang đi đứng nằm ngồi, suy nghĩ, nói năng và hoạt động, chứ thật ra trong cơ thể có ít nhất 2 tỷ bạch cầu và vài trăm triệu hồng huyết cầu đang vận hành, hồng huyết cầu nuôi máu, máu nuôi tim gan tỳ phế thận…Trong mỗi sát na tất cả các chi phần trong cơ thể đồng thời câu khởi, mỗi bộ phận có một chức năng riêng nhưng đồng thời tương quan với nhau nhịp nhàng trong sự sinh và diệt. Cho đến sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) duyên với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thành ý thức, cùng với toàn bộ hệ tinh thần (thọ, tưởng, hành) đều từ đất, nước, gió, lửa, không mà ra, đều đích thị là Phật Tánh. Như vậy, đã sáng tỏ rằng không hề có một cái Ta nào làm chủ cơ thể vật lý hay tinh thần. Cho đến không có người này riêng biệt người kia, hay cảnh cõi này khác biệt cảnh cõi kia. Toàn bộ hành tinh, các dải thiên hà và vũ trụ đều bình đẳng nhất như nơi thể tánh.
Vì tất cả các pháp từ vô thỷ vô chung đều đã đích thị là Phật Tánh, nên giờ đây điều duy nhất ta nên làm là sử dụng lại mọi thứ trên thế gian để giúp cho những ai chưa giác ngộ được giống như ta thấy trở lại Chân Lý. Vì tất cả các pháp đều không có biên giới, nên không dính mắc vào các tướng ngã (ta), nhân (người), chúng sinh, thọ giả. Và vì tất cả hữu tình vô tình đều đồng Phật ./.

DÒNG MẬT PHÁP VAJRA PANI
GURU A-XÀ-LÊ Thuyết Giảng
NHÓM KIM CANG TỬ ĐỜI CHỮ NHẬT
Ghi Chép Bài Giảng: NHẬT NGÂN