NHƯ LAI THIỀN – ĐẠI NIỆM XỨ – QUÁN TỨ ĐẠI
PHƯƠNG PHÁP HÀNH THIỀN ĐẠI NIỆM XỨ
QUÁN TỨ ĐẠI
VĂN:
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại xứ Kuru.
Xứ này có một thị trấn tên là Kamma-sadamma. Tại đó, Đức Phật đã dạy các Thầy Tỳ Khưu như vầy:
“Này các thầy tỳ khưu”.
Và các Thầy Tỳ Khưu thưa:
“Xin vâng, Bạch Thế Tôn”.
Và Đức Thế Tôn đã nói như sau:
“Đây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và Giác Ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.” … “Lại nữa, này các thầy tỳ khưu. Tỳ khưu quán sát chính thân thể này về phần Tứ Đại: trong thân này có Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, Phong Đại. Như một người đồ tể thiện nghệ hay học trò của người này giết một con bò và xẻ ra nhiều phần, ngồi ở ngã tư đường.
Cũng vậy, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu quán sát chính thân thể này về phần Tứ Đại: trong thân này có: Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, Phong Đại. Như thế, tỳ khưu quán sát thân trên nội thân, hay tỳ khưu quán sát thân trên ngoại thân, hay tỳ khưu quán sát cả hai thân trên nội thân và ngoại thân. Không chấp vào bất cứ một điều gì trên đời do ngũ uẩn tạo thành này.”
LUẬN GIẢI:
Nếu hành thiền quán Tứ Đại Chủng. Nhìn tích cực, chú tâm quán sát Tứ Đại: tự đắm mình trong chổ trống không, và loại bỏ mọi ý niệm về một chúng sanh.
Vì vậy không chấp giữ ý niệm sai lầm về dã thú, ma quỷ, chằng tinh; bởi đã loại bỏ mọi ý niệm về một chúng sinh. Nên đã chế ngự được nỗi lo lắng, sự sợ hãi, và chinh phục được tham ái và sân hận, không phấn khích hay nản lòng trước mọi sự vật vừa ý hay không vừa ý. Và là người hiểu biết sâu xa nên sẽ đi vào chốn bất tử, hay đi đến nơi hạnh phúc an vui.
Thiền Minh Sát không dẫn đến sự chứng đắc như các tầng thiền vắng lặng mà chỉ đưa đến Cận định, Giác ngộ và Niết bàn, Chấm dứt vòng tái sanh.
Đức Phật dạy các Pháp Hành cho chư vị Tỳ Kheo tại Xứ Ku Ru, trong thị trấn tên là Kamma-sadamma, thị trấn này do ông vua hay ăn thịt người Kamma-sapada (chân có đốm), được cảm hóa trở thành vị vua lương thiện; và dân Kuru có truyền thống thực hành giáo pháp một cách tốt đẹp.
Tại đó, Đức Phật đã dạy các thầy tỳ khưu như vầy:
“Này các thầy tỳ khưu”
Và các thầy tỳ khưu thưa:
“Xin vâng. Bạch Đức Thế Tôn”
Đức Phật thường gọi các Tu Sĩ là Bhikkhu (tỳ khưu).
Bhikkhu là những người cao thượng, sống đời sống phạm hạnh và thực hành giáo pháp.
Nhưng khi dùng chữ Bhikkhu, không có nghĩa là Đức Thế Tôn không nói đến thiện nam tín nữ. Bất cứ ai chấp nhận và thực hành những lời dạy của Đức Phật đều được gọi là Bhikkhu.
Bởi vậy, khi Đức Phật nói: “Này các thầy tỳ khưu” thì phải được hiểu là kể cả nam nữ cư sĩ tại gia và tăng ni trong tăng đoàn đang thực hiện chân lý tối thượng.
Và Đức Thế Tôn đã nói như sau:
“Đây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và Giác Ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.” … “Lại nữa, này các thầy tỳ khưu. Tỳ khưu quán sát chính thân thể này về phần Tứ Đại: trong thân này có Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, Phong Đại. Như một người đồ tể thiện nghệ hay học trò của người này giết một con bò và xẻ ra nhiều phần, ngồi ở ngã tư đường. Cũng vậy, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu quán sát chính thân thể này về phần Tứ Đại: trong thân này có: Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, Phong Đại.
Như thế, tỳ khưu quán sát thân trên nội thân, hay tỳ khưu quán sát thân trên ngoại thân, hay tỳ khưu quán sát cả hai thân trên nội thân và ngoại thân. Không chấp vào bất cứ một điều gì trên đời do ngũ uẩn tạo thành này.”
Mục này của Kinh Tứ Niệm Xứ nói đến Tứ Đại và Cách hành thiền sinh quán sát Tứ Đại trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi.
Thiền sinh phải quán sát cơ thể mình dưới khía cạnh Tứ Đại.
Theo truyền thống, có Bốn Đại: Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, và Phong Đại.
Hành thiền bằng cách quán sát Tứ Đại chỉ được đề cập vắn tắt trong Kinh Đại Niệm Xứ này, và được trình bày ngắn gọn, vì phần này chỉ dành cho thiền sinh có sự hiểu biết mau lẹ, có trí tuệ nhạy bén.
Còn về các Kinh như Màhàhatthipadopama Sutta, Ràhulovàda Sutta và Dhàtuvibhanga Sutta, trình bày cách hành thiền quán sát Tứ Đại với đầy đủ chi tiết. Những kinh này dành cho những người có trí tuệ ít nhạy bén hơn.
Mỗi khi Đức Phật thuyết pháp, Ngài thường xét xem người nghe có thích hay không, và Tâm họ thuần thục chưa. Sau khi đã xem xét như vậy, Đức Phật thuyết pháp theo trình độ của người nghe. Bởi vậy, có những bài kinh Ngài đề cập đến nhiều chi tiết và giảng giải rộng, có những bài kinh Ngài chỉ nói ngắn gọn.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ này, Ngài chỉ trình bày vắn tắt đề mục Quán Sát Tứ Đại.
Mục đích của thiền quán sát Tứ Đại, là để loại bỏ khái niệm về một chúng sinh, cho rằng ta là người là chúng sanh.
Tứ Đại được tìm thấy trong tất cả sinh vật, cây cối và vật vô tri vô giác.
Muốn loại bỏ khái niệm có một chúng sanh, thiền sinh cần phải hành thiền Quán Sát Tứ Đại bằng cách chia chẻ thân thể này ra làm bốn thành phần và quán sát riêng biệt từng thành phần một. Mỗi thành phần như vậy gọi là Một Đại.
1. Địa Đại:
Địa đại không có nghĩa là Đất như chúng ta thường biết, mà là những gì có bên trong Đất cũng như trong các Vật Khác.
“Tính Chất Cứng Mềm” đó là đặc tính của Địa đại.
Đun tay vào nước bạn cảm thấy mềm. Sự mềm mại này là Địa đại. Bạn tìm thấy Địa đại khắp mọi nơi.
Công năng của Địa đại là làm nền tảng để những vật khác có thể đặt lên đấy.
Đối với thiền sinh hành thiền minh sát về đề mục Địa đại, thì sự biểu hiện của Địa Đại là thâu nhận hay chấp nhận.
Bởi vậy, các bạn phải hiểu Địa đại theo đặc tính, công năng sự thể hiện của nó.
Tóm lại, đặc tính của Địa đại là Cứng, Mềm. Công năng của Địa đại là Làm Nền Tảng. Và sự biểu hiện của Địa đại là Sự Thâu Nhận hay Chấp Nhận vật gì.
2. Thủy Đại:
Thủy đại ở đây không có nghĩa là Nước như chúng ta thường biết. Thủy đại có đặc tính “chảy giọt xuống”, “dính hút”, “kết hợp” hay “lỏng”. Thủy đại có mặt trong mọi vật có sự kết hợp, hay trong đất, trong gỗ, trong gạch đá, …
Sự kết hợp hay Sự dính hút làm cho vật liên kết lại với nhau là đặc tính của Thủy đại.
Công năng của Thủy đại là “làm cho mạnh lên”. Thủy đại làm cho mạnh lên những gì tiếp xúc với nó.
Sự biểu hiện của Thủy đại trong thiên nhiên là “kết hợp vật chất lại với nhau”. Khi chế nước vào bột chẳng hạn, thì ta thấy cục bột dẻo. Nước đã kết dính bột lại với nhau. Sự kết dính lại với nhau là sự biểu hiện của Thủy đại.
Khi hành thiền thỉnh thoảng sự biểu hiện này sẽ đến với bạn. Bạn sẽ thấy hay hiểu Thủy đại đôi khi qua đặc tính, đôi khi qua công năng, và đôi khi qua sự biểu hiện.
Tóm lại, đặc tính của Thủy đại là “Sự Kết Hợp” hay “Sự Dính Hút”. Công năng của Thủy đại là “Làm Cho Mạnh Lên”. Biểu hiện Thủy đại là “Kết Hợp Vật Chất Lại Với Nhau”.
3. Hỏa Đại:
Đây không phải là Lửa hiểu theo nghĩa thông thường, nhưng là trạng thái của lửa, tính chất của lửa, như sức nóng chẳng hạn. Sức nóng hay lửa làm cho vật “chín mùi, trưởng thành, hay già nua”. Nói nóng, ta cũng bao gồm cả lạnh. “Nóng”, “Lạnh” hay “Nhiệt Độ” là đặc tính của Hỏa đại.
Khi bạn cảm thấy nóng hay lạnh là bạn đang cảm giác được Hỏa đại. Và khi cơ thể trưởng thành hay già nua, đó là tác dụng của Hỏa đại.
Công năng của Hỏa đại là làm cho vật “trưởng thành”, làm cho vật “nóng” hay “lạnh”.
Sự biểu hiện của Hỏa đại là “tiếp tục cung cấp cho sự mềm dẻo”. Chẳng hạn như bạn đang nấu vật gì thì vật được nấu sẽ mềm. Cũng vậy, sức nóng trong cơ thể làm cho cơ thể bạn dẻo, do đó cơ thể bạn già nua dần.
Tóm lại, đặc tính của Hỏa đại là “Nóng, Lạnh, hay Nhiệt Độ”. Công năng của Hỏa đại là “Làm Cho Vật Nóng hay Lạnh”. Biểu hiện của Hỏa đại là “Tiếp tục cho sự mềm dẻo”.
Có bốn loại Lửa:
- Nhiệt độ cơ thể làm cho cơ thể nóng, hay bạn đau thì thân nhiệt gia tăng.
- Lửa làm cho cơ thể bạn trưởng thành già nua.
- Lửa làm cho người hay vật nóng lên, đó là sức nóng quá độ. Khi bạn cảm cúm, cơ thể bạn rất nóng, đó là sức nóng quá độ.
- Lửa tiêu hóa thức ăn, nhờ lửa này mà bốn loại thực phẩm: ăn, uống, nhai, mút được tiêu hóa. Khi bạn có lửa tiêu hóa tốt hay lửa dạ dày tốt, thì cơ thể có thể tiêu hóa tất cả những gì bạn ăn. Khi bạn không có lửa tiêu hóa tốt, thì bao tử của bạn gặp rắc rối.
4. Phong Đại:
Đặc tính của Phong đại là “bành trướng, dãn nở, hay làm phồng lên”. Khi thổi hơi vào một quả bóng, quả bóng phồng lên. Phong đại cũng làm cho bạn đứng hay ngồi thẳng không bị cong xuống. Đó là sự “nâng đỡ của gió đến từ mọi phía”.
Công năng của gió là “tạo ra sự di động”. Khi bạn di chuyển thì sự di chuyển của bạn là do Phong đại gây ra.
Sự biểu hiện của Phong đại là “sự vận chuyển”.
Tóm lại, đặc tính của Phong đại là “Bành Trướng, Dãn Nở, hay Làm Phồng Lên và Nâng Đỡ”. Công năng của của gió là “Tạo Ra Sự Di Động”. Biểu hiện của Phong đại là “Sự Vận Chuyển”.
Có sáu loại gió:
- Gió hướng lên làm bạn nấc cụt hay nôn mửa.
- Gió hướng xuống tống phân hay nước tiểu ra ngoài.
- Gió trong bụng ngoài ruột.
- Gió trong ruột.
- Gió chạy trong khắp tứ chi trong thân.
- Gió hơi thở ra ngoài.
Khi bạn đi hoặc co ruỗi thì Phong đại làm việc. Phong đại được gây ra bởi Tâm hay Ý muốn của bạn.
Bây giờ hãy tìm cách quán sát Tứ Đại trong khi đi.
Khi đi, trước tiên bạn dỡ chân lên. Lúc dỡ chân lên bạn thấy nhẹ. Sự nhẹ này được gây ra bởi Hỏa đại.
Khi dỡ chân lên có sự chuyển động. Sự chuyển động do Phong đại gây ra.
Khi đưa chân bước về phía trước, sự chuyển động cũng do Phong đại gây ra.
Khi hạ chân xuống, bạn thấy chân nặng, sự nặng này do sự có của Thủy đại.
Khi chân chạm đất hay chạm nền nhà, bạn cảm thấy sự cứng hay mềm của cả nền nhà lẫn chân bạn. Sự cứng mềm này là đặc tính của Địa đại.
Chỉ trong một bước đi bạn có thể phân biệt biết được Bốn Đại. Khi dỡ chân lên thì Hỏa đại và Phong đại trội hơn cả. Khi đưa chân bước về phía trước bạn nhận ra Phong đại. Khi đặt chân xuống bạn thấy được Thủy đại. Khi chân đạp lên đất bạn cảm thấy được Địa đại.
Như vậy là thiền sinh đã quán sát được cả Bốn Đại trong một bước đi, mặc dầu thoạt đầu thiền sinh không ghi nhận được sự hiện diện của tất cả Bốn Đại.
Khi thiền sinh thấy các Đại một cách rõ ràng thì ý niệm về một chúng sanh biến mất. Lúc này, thiền sinh thấy rằng chỉ có Bốn Đại mà thôi. Bốn Đại đang đi, Bốn Đại đang đứng, v.v… Khi chỉ thấy Tứ Đại đi, đứng, nằm, ngồi thì bạn sẽ không thấy có một con người đang làm tác động này; như vậy ý niệm về một chúng sanh biến mất.
Sự quán sát Tứ Đại được giảng giải trong kinh này bằng một ví dụ và chú giải đã giải thích như sau:
Khi người đồ tể nuôi một con bò, đem nó đến chổ giết thịt, cột bò vào một cột cây rồi giết bò, thì người đồ tể vẫn còn ý niệm về một con bò, một chúng sanh. Nếu có ai hỏi ông ta đang làm gì, thì đồ tể sẽ nói: “tôi cho bò ăn” hay “tôi đang giết bò”.
Ngay cả sau khi giết bò, trước khi xẻ thịt và cắt ra từng miếng, ông ta vẫn còn duy trì ý niệm rằng đó là một con bò. Nhưng sau khi xẻ bò ra, cắt thành từng miếng nhỏ và đặt lên bàn để bán ở ngã tư đường, thì người đồ tể mất hẳn ý niệm về một con bò. Nếu có ai hỏi ông ta bán gì, ông ta không thể nào trả lời “tôi bán bò”, ông ta sẽ trả lời là “tôi bán thịt bò”. Như vậy sau khi đã cắt bò ra từng miếng, người đồ tể đã mất hẳn ý niệm về một con bò.
Tương tự như vậy, khi thiền sinh cắt mình ra thành Bốn Đại – tất cả những gì trên cơ thể thiền sinh cũng chỉ là Bốn Đại – như vậy là thiền sinh sẽ mất ý niệm về một thiền sinh, một con người.
Đức Phật dạy cách hành thiền để loại bỏ ý niệm “có một chúng sinh”.
Ví dụ trên đây không thể đưa đến kết luận rằng thiền sinh phải ý niệm hóa Tứ Đại.
Tứ Đại Đức Phật dạy không phải là ý niệm chế định, mà là một phần của chân lý tuyệt đối hay “Chân Đế” gồm Tâm, Tâm Sở, Sắc Pháp và Niết Bàn. Đây là “Chân Đế”, khác với “Tục Đế”. Thiền sinh phải “Thấy” Tứ Đại qua việc hành thiền của mình. Thiền sinh sẽ gặt hái được nhiều lợi ích qua cách hành thiền này.
Khi bạn quán sát Tứ Đại trên thân thể của mình thì bạn đã quán sát thân trên nội thân; khi bạn bỗng nhiên suy nghĩ đến Tứ Đại trên thân thể người khác thì bạn đã quán sát thân trên ngoại thân. Khi bạn quán sát Tứ Đại trên chính thân mình rồi quán sát Tứ Đại trên thân người khác thì bạn đã quán sát cả hai, thân trên nội thân và thân trên ngoại thân.
Khi bạn thấy rằng chỉ có Tứ Đại mà chẳng có người hay chúng sanh gì cả thì bạn không dính mắc, luyến ái vào bất cứ mọi thứ gì trên cõi đời. Như vậy là bạn đã: Không chấp trước vào bất cứ một điều gì trên cõi đời do ngũ uẩn tạo thành này.
Khi không luyến ái, dính mắc thì không còn tạo ra nghiệp. Khi không có nghiệp thì sẽ không có bám víu vào đời sống và thọ thân sau, và không có tái sanh. Lúc ấy bạn sẽ đạt đến chổ chấm dứt vòng luân hồi tái sinh.
Trích dẫn : Kinh Đại Niệm Xứ
Thiền Sư U SILANANDA
Dịch giả: Tỳ Kheo Khánh Hỷ
(Aggasami Trần Minh Tài)
Đăng bài chuyển tải:
Nhóm Kim Cang Tử đời Chữ Nhật
Dòng Mật Pháp VajraPani